Chánh Niệm Là Tất Cả

Nội dung khóa tu là những việc cần phải học và thực tập ngay trong khóa tu. Học và thực tập đưa ta trở về với chánh niệm. Chánh niệm là tất cả. Chánh niệm là then chốt của khóa tu và là kết qủa của khóa tu. Kết quả ấy là đưa ta về đời sống tỉnh thức và an lạc. 

Chánh niệm là mỗi niệm khởi dậy được nuôi dưỡng tương tục với một đề mục. Ðề mục ấy được lựa chọn để áp dụng trong khi ngồi thiền hay là dùng các đối tượng trước mắt mà ta đang tiếp xúc. Như khi ngồi thiền, ta theo dõi hơi thở ra vào và niệm một danh hiệu Ðức Phật. Trong khi tiếp xúc, ta niệm Ði, niệm Ðứng, niệm Ngồi, niệm Ăn, niệm Uống, niệm Thấy, niệm Nghe, niệm Thức, niệm Ngủ, niệm Không Tham, niệm Không Sân, niệm Không Tranh, niệm Vô Thường...

Quang trọng ở chỗ là niệm niệm phải liên tục và kèm theo hơi thở ra vào. Niệm đề mục và kềm theo hơi thở thì rất dễ định tâm. Tâm ta ví như con trâu hoang đã có người chăn và điều khiển trâu bằng một sợi dây thừng xỏ vào mũi để điều khiển trâu đi, đứng như ý. Người chăn trâu ví như đề mục, sợi dây thừng ví như hơi thở ra vào được kiểm soát bằng ý thức. Ý thức gọi là vọng động hay thất niệm là ý thức không được kiểm soát cẩn trọng và liên tục; ý thức gọi là chánh niệm hay tỉnh thức là ý thức được trụ vào một đề mục và được kiểm soát liên tục. Khi ta niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Ðịnh, niệm Huệ... ta biết rằng ta đang niệm thiện và niệm thiện ấy cần được phát triển, duy trì. Khi ta niệm dục, niệm tà, niệm ái, niệm sát, niệm tham, niệm sân, niệm si... ta biết rằng ta đang niệm ác và niệm ác ấy cần phải dập tắt, chấm dứt. Người không chuyên ngồi thiền mà chuyên niệm kinh hay niệm Phật cũng chỉ có một mục đích duy nhất là theo dõi sự hoạt động của ý thức và đưa ý thức trở về Chánh niệm. 

Sự sống chỉ là những dòng liên diễn của ý thức. Cho nên hễ ta biết trau dồi ý thức cho tĩnh lặng là ta đã biết trau dồi sự sống. Dòng liên diễn của ý thức được nuôi dưỡng trong chánh niệm thì chính là lúc ta đang ươm bón hạt giống tỉnh thức và hoa trái sẽ là hoa trái giải thoát. Dòng liên diễn của ý thức được dấy khởi bằng Thất niệm thì chính là lúc ta đang ươm bón hạt giống bất thiện và hoa trái sẽ là hoa trái khổ đau và trói buộc. Thế nên Ðức Phật nói, "Giải thoát cũng do ta mà trói buộc cũng do ta."

Thất niệm là bóng đêm 
Chánh niệm là ánh sáng 
Ðưa tỉnh thức trở về 
Cho thế gian tỏ rạng. 
Nhất Hạnh 
 

Phương Pháp Ngồi Thiền

Ý nghĩa ngồi thiền: Ngồi thiền là một phương pháp gạn lọc tư tưởng, tập trung tâm ý về một đối tượng. Ngồi thiền dẫn đến an tâm và phát huy tuệ giác. Vì vậy, ngồi thiền không phải là một giấc mơ trầm lặng mà là một phương pháp luyện tâm cho thanh tịnh và là một hoạt động tích cực khai thông năng lực tuệ giác mầu nhiệm đang ngủ chìm trong ta. 

Cái tâm ta thật là quan trọng, nó là trung tâm của sự sống, của vũ trụ và chứa nhóm tất cả muôn pháp. Nó là hào lũy ẩn náu của mọi tật xấu, nhưng cũng là mảnh đất phì nhiêu để gieo trồng mầm giống giác ngộ. Chính tâm tạo nên hạnh phúc và cũng chính tâm tạo nên khổ đau. Ngồi thiền là nhắm tới sự chuyển hoá, kiểm soát và phát triển sự tốt đẹp của cái tâm ấy. 

Ý nghĩa trong khi thực tập ngồi thiền có hai phần. Thứ nhất là gom tâm lại một mối, xả bỏ tạp niệm và đưa tâm trở về trạng thái vắng lặng, an tịnh. Ðây được gọi là Chỉ, là ngưng mọi suy tư, xúc tiếp và phân biệt. Phần thứ hai là dùng năng lực vắng lặng của tâm để theo dõi sự vật và thấy đúng mọi biến tướng của sự vật, tức là nhìn sự vật dưới ánh sáng của ba đặc tính: vô thường, khổ và vô ngã. 

Gom tâm là Chỉ hay gọi Samatha. Theo dõi tâm và thấy đúng mặt hiện tượng của sự vật là Quán hay gọi là Vipassana. Chỉ là đình chỉ mọi tạp niệm, Quán là quán sát sự vật đúng như thật tướng của nó. Chỉ có tu học theo phương pháp luyện tâm, ta mới rũ bỏ được mọi khổ não và đạt được trạng thái an lạc rốt ráo.  

Chỉ Quán hay Thiền quán là Phép lạ của sự tỉnh thức. Chữ Quán ở đây rất quan trọng, đấy là Sự Theo Dõi, Thấy Biết Thực Tại sống ngay trong giây phút hiện tại. Chỉ có giây phút hiện tại mới là giây phút hiện thực của sự sống. Mọi đối tượng bên ngoài như màu sắc, âm thanh, hương vị, chạm xúc... đến với các các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đều được ghi nhận và bám sát tường tận. Tất cả những đối tượng ấy là những đề mục thiền quán và làm nẩy nở sự tỉnh thức. 

Nhờ tỉnh thức thường trực mà ta thấy được thực tướng của sự vật nên không mê chấp, đắm luyến. Bản chất của con người và vạn vật được cấu tạo từ năm uẩn giả hợp, chúng vốn không có cái ngã tồn tại và bất biến. Càng định tâm, càng có trí tuệ và ta sẽ thấy con người, vũ trụ chỉ là những mối nhân duyên liên hệ và tùy thuộc để sanh thành hay hoại diệt. Nhờ đó ta thấy được "ngũ uẩn vốn không thật, xa lìa mọi khổ ách, điên đảo, vọng tưởng; chứng đắc Niết bàn tuyệt đối." 

Phương pháp ngồi thiền: Khi thực hành thiền ta phải chọn đề mục để tập trung tâm ý. Hơi thở thường được chọn làm đề mục chính. Ta nên theo dõi hơi thở và ghi nhận sự ra vào của hơi thở.

Trong khoá tu, bạn đã được thấy Thiền chủ dạy bài thi kệ "Ðiều hơi thở" rất giản dị, dễ thực tập và vô cùng công hiệu cho việc định tâm: 
 

Thở vào tâm tĩnh lặng 
Thở ra miệng mỉm cười 
An trú trong hiện tại 
Giờ phút đẹp tuyệt vời  

 

Bạn có thể thở vào, thầm niệm "tĩnh lặng", thở ra thầm niệm "mỉm cười" và thật sự mỉm cười. Rồi bạn thở vào niệm "hiện tại", và thở ra niệm "tuyệt vời", và thật sự thấy thảnh thơi. Theo dõi hơi thở như thế, bạn có thể dần dần kiểm soát được tâm. 

Sau đây xin được tóm lược vài cách thức cơ bản để bạn có thể ngồi thiền thêm tại nhà hay bất cứ ở đâu: 

Khi có nhiều người cùng ngồi thiền với nhau, sự thực tập dễ dàng hơn bội phần. Ðiều nầy rất dễ nhận biết với những thiền sinh đã trải qua những khoá quán niệm với nhiều bạn đồng tu. Thiền lực của một tập thể rất mạnh và tác động tích cực vào sự nỗ lực định tâm của mỗi người. Nếu cả gia đình bạn cùng ngồi thiền với nhau vào những giờ nhất định thì hiệu quả thiền tập sẽ rất lớn. 

Nên lựa một nơi ngồi thiền yên tĩnh là một trợ duyên rất lớn cho người ngồi thiền. Ðịnh giờ nào thuận tiện cho mọi người, và khi đã quyết định một giờ giấc nào đó, nên luôn luôn giữ đúng giờ giấc một cách liên tục. Ngồi thiền lâu hay mau tùy theo quyết định của bạn và gia đình. Nếu các bạn muốn ngồi 15 phút một lần thì hãy giữ đúng 15 phút, và luôn luôn bắt đầu và kết thúc cùng một giờ nhất định đó. Mới bắt đầu, nên ngồi khoảng 15 phút một lần, rồi kéo dài thêm sau khoảng ba tuần lễ hay một tháng. Nếu gia đình bạn ngồi được 45 phút hay 1 giờ, một hay hai lần mỗi ngày thì tốt nhất. 

Nên có toạ cụ làm cho thế ngồi của bạn thoải mái, dễ chịu. Sắm một gối ngồi mềm mại, chiều cao vừa tầm bạn. Tọa cụ tùy thuộc vào thế ngồi của mỗi người, làm thế nào cho người ngồi thiền thoải mái là được. Những người đau bệnh nhức khớp xương không ngồi được dưới sàn, có thể ngồi trên một cái ghế. 

Thế ngồi tùy thuộc sự lựa chọn và cố gắng của bạn. Ðức Phật đã ngồi kiết già trong 49 ngày và đã đắc đạo. Cho nên người Phật tử nào cũng cố gắng ngồi kiết già, tức là ngồi như một đoá hoa sen. Ngồi trên gối ngồi, bàn chân trái đặt lên đùi chân phải, và bàn chân phải đặt lên đùi chân trái. Lưng thẳng, mắt nhìn phía trước hoặc nhắm lại, môi mỉm nụ cười hàm tiếu. 

Thế ngồi nầy là thế vững chãi nhất, vì sức nặng thân thể người toạ thiền được đặt vào 3 điểm, đó là bàn tọa và hai đầu gối. Bạn nhớ hình ảnh của những chiếc đỉnh đặt trước các đền đài lăng tẩm bên nhà: chiếc đỉnh đứng trên ba chân, vững chãi, không lay chuyển. 

Nếu bạn không ngồi kiết già được, thì hãy ngồi bán già. Bàn chân trái đặt trên chân phải, hay bàn chân phải đặt trên chân trái. Trong cả hai thế kiết già và bán già, hai tay buông thư, những ngón tay chồng lên nhau, hai ngón tay cái chạm nhẹ nhau. 

Nếu bạn không ngồi kiết già hay bán già được, thì có thể ngồi cách nào thoải mái nhất cho bạn. Lưng phải giữ thẳng. Nếu ngồi dưới sàn không được, bạn có thể ngồi trên một chiếc ghế, lưng giữ thẳng, không dựa vào thành ghế. Lưng và bàn toạ làm thành một góc 90 độ, đùi và chân cũng làm thành một góc 90 độ. Ðầu và hai tay giống như ngồi kiết già hay bán già. 

Kiểm soát hơi thở. Bạn đã được thầy dạy kiểm soát hơi thở bằng cách dùng bài thi kệ "Ðiều hơi thở" đã nói ở trên. Ðếm hơi thở là phương pháp thực hành sơ đẳng nhưng căn bản nhất. Thở vào đếm 1, thở ra bạn đếm 1; thở vào bạn đếm 2, thở ra bạn đếm 2 cho đến số mười thì trở lại. Tâm của ta sẽ chỉ tập trung vào việc đếm hơi thở. Khi đếm hơi thở đã thuần thục, ta chỉ cần theo dõi hơi thở nơi hai lỗ mũi hoặc nơi bụng. Tâm của ta lúc này chỉ tập trung và theo dõi hơi thở nơi lỗ mũi hay bụng. Thiền Minh Sát dạy ghi nhận các cử động "phồng", "xẹp" của bụng. Bước đầu tiên nên cố gắng thấu hiểu chính xác bản chất của những hiện tượng tâm ly đang diễn biến nên trong thân, như cảm giác nhẹ, khỏe, vui, buồn...

Những bệnh khi ngồi thiền. Những bệnh thông thường của người mới tu thiền là bệnh hôn trầm và bệnh loạn tưởng. Bệnh hôn trầm là khi ngồi thiền, bạn mơ mơ màng màng, không tỉnh cũng không mê. Bệnh loạn tưởng là khi ngồi thiền, những niệm thiện, niệm ác lăng xăng đi qua tâm ta không ngừng nghỉ. Ðối với người tu, niệm bất thiện là không tốt, nhưng cũng phải rũ bỏ những niệm thiện. Ðến một lúc nào đó, ta sẽ hiểu một cách rõ ràng là muốn giải thoát, ta phải dứt bỏ những niệm bất thiện cũng như niệm thiện mới đạt được tâm cảnh nhất như.  

Khi thấy mình đang mơ màng, bạn ý thức rằng ta đang mơ màng. Thuốc chữa bệnh nầy là niệm: tỉnh, tỉnh. Tỉnh lại để chấm dứt trạng thái hôn trầm. Khi đang loạn tưởng thì ta ý thức rằng tâm ta đang loạn tưởng. Thuốc chửa bệnh nầy là lặng, lặng. Tỉnh tỉnh cách nào, lặng lặng cách nào, đó là tùy theo và sự chú tâm rõ ràng của mỗi người. 

Một hôm Ðức Phật dùng Thiên nhã thông, ngài thấy đức Mục Kiền Liên, một đệ tử lớn của ngài đang ngủ gục và ngáy. Ngài bước tới đánh thức đức Mục Kiền Liên dậy và dạy những phương thức sau đây để chế ngự bệnh hôn trầm: 1) Mở mắt ra. 2) Nhìn lên trời. 3) Ðứng dậy đi kinh hành. 4) Thở sâu, dài và mạnh. 5) Ði rửa mặt. 6) Ði kinh hành và leo dốc núi. 

Thuốc chữa bệnh loạn tưởng? Ta hãy ý thức mình đang nghĩ về một điều nào đó và thầm niệm điều đó. Ví dụ ta đang nghĩ về cái bồn tắm bị tắt chẳng hạn, hãy thầm niệm, bồn tắm nghẹt, bồn tắm nghẹt. Khi vọng tâm này chấm dứt, hãy trở về đếm số và theo dõi hơi thở. Vạn pháp có sanh thì có diệt. Vọng tưởng cũng không khác, nghĩa là vọng tưởng đã có sanh, thì tất sẽ có diệt. Ta chỉ cần ý thức điều đó và tự nhiên cái niệm bồn tắm nghẹt sẽ tan biến vài sát na sau đó. Dần dà, sau nhiều công phu tu tập, thân và tâm của ta sẽ dễ dàng tĩnh lặng, và bạn sẽ bước qua phần quán chiếu sâu hơn để phát triển trí tuệ và từ bi tâm. 

Ðừng quên Tam huệ học. Giới-Ðịnh-Tuệ. Muốn thiền định, chúng ta phải giữ giới. Không giữ giới thì không thể nào có định lực. Như ta đã thọ Tam Quy, Ngũ Giới, hay đã phát nguyện giữ năm giới, thì phải quyết tâm giữ gìn giới ấy, không buông lung và thối chuyển. Muốn Ðịnh thì phải giữ Giới. Muốn có Tuệ thì phải có Ðịnh tâm trước. 

Lợi ích ngồi thiền. Là làm cho thân tâm trở nên an định, sáng suốt, hết bệnh hoạn và rũ bỏ mọi lo âu. Ngồi thiền là cách hay nhất làm cho tinh thần giàu mạnh, có thừa đức tính nhẫn nại, biết lắng nghe, cởi mở và giúp ta thành công trong mọi lãnh vực của đời sống. 

Nếu là người hay nóng giận, ngồi thiền sẽ giúp ta hết nóng giận. Nếu là người thiếu tự tin, ngồi thiền sẽ giúp ta tự tin. Nếu là người đầy phiền não, buồn chán, ngồi thiền giúp ta có an lạc và tỉnh thức.  

Xa hơn, người ngồi thiền lâu ngày và đúng phương pháp hành trì sẽ giác ngộ như Phật, không còn bị đèo bồng khổ não, không còn rong ruổi trong biển sống chết và mê lầm nữa. 
 


Thích Tịnh Từ
Trích từ Cẩm Nang Hướng Dẫn Tu Học

Mục Lục