sự cần thiết của khất thực

Dưới thời đại Meiji ở Nhật bản, tăng chúng tại một thiền viện nọ cảm thấy rất xấu hổ về việc đi khất thực - xin ăn. Nhưng chuyện khất thực lại là một phần trong chương trình tu tập của họ.

Mỗi ngày họ phải ra đứng tại những góc đường, chấp tay xá những người qua lại và đưa bình bát của mình ra. Hoặc họ đến đứng trước những cửa tiệm niệm kinh cho đến khi nào được cho một cái gì. Có khi họ đi chầm chậm trên đường, tay rung một chiếc chuông nhỏ, xin đồ cúng dường từ những khách bộ hành qua lại.

Những sư chú cảm thấy vô cùng xấu hổ khi phải làm những việc ấy. Họ cười khúc khích và huých thúc nhau. Mặt họ đỏ như gấc và trở nên rất nhút nhác. Ðôi khi các sư chú ngồi lại với nhau và từ chối nhất định không chịu đi khất thực.

Thấy vậy vị sư huynh gọi họ lại và giải thích. Ông nói rằng khất thực là một việc làm hoàn toàn đáng kính. Nó là một phần trong sự tu tập của tăng đoàn đã có từ ngàn xưa. Hành động khất thực có thể trợ giúp cho tâm của người đi xin rất nhiều. Các thầy ở khắp mọi nơi đều đã và đang thực tập khất thực. Nhưng lời khuyên nhủ của vị sư huynh không có hiệu quả gì. Ông còn nói thêm rằng, nếu thầy mình nghe được việc này thì ngài sẽ không vui đâu. Nhưng những lời của ông cũng không thể thay đổi được ý của các sư chú.

Rồi thì chuyện những chú sa di xấu hổ không muốn đi khất thực cuối cùng cũng đến tai vị trụ trì. Ông cho gọi từng người một vào gặp riêng ông, và bảo họ giải thích cho ông nghe vì sao người tu phải biết đi xin đồ cúng dường từ kẻ khác. Mỗi người trả lời khác nhau. Nó giúp ta phá bỏ đi cái tôi của mình. Nó dạy ta đức khiêm tốn, nhún nhường. Nó là một phương pháp thiền quán. Nó dạy cho ta phải biết ơn... Nhưng tất cả đều đồng ý một điều là họ cảm thấy rất là hổ thẹn khi làm việc ấy.

Vị thầy trụ trì kêu gọi hết tăng chúng lại và giảng cho nghe về vấn đề khất thực:

"Ta cần phải khất thực vì lý do duy nhất là khất thực là một việc khó làm. Những ngày xưa, khi thực phẩm không có đầy đủ cho tất cả mọi người, khất thực là khó. Ngày nay, khi thực phẩm có dư thừa, khi văn minh cơ khí hiện diện khắp nơi, khất thực lại càng còn khó khăn hơn gấp bội phần. 

"Ta hiểu sự quan tâm của các con. Nó có ảnh hưởng đến nhân phẩm của các con. Các con cảm thấy là đi xin ăn sẽ làm giảm đi cái nhân phẩm của mình. Nhưng các con hãy suy nghĩ đi, bất cứ một việc làm khó khăn nào bao giờ cũng có cái nhân phẩm của nó. Nhân phẩm nằm ở chỗ khó làm. Cho thì lúc nào cũng dễ hơn là khi ta đưa tay ra mà nhận. Bất cứ ai cũng có thể cho được hết, nhất là khi món quà là nhỏ. Nhưng khi ta ngửa tay ra mà nhận một vật gì thì rất là khó, nhất là khi món quà ấy không đáng là bao nhiêu. Vì khó như vậy mà việc khất thực phải là một việc làm đáng cho ta hảnh diện hơn là phải xấu hổ.

"Ta đề cập đến vấn đề nhân phẩm vì đa số các con còn trẻ, nên còn hay quan tâm về những ý niệm rỗng tênh ấy. Và vì các con còn ham muốn cái tính chất vô ích ấy, nên ta sẽ ban cho. Các con sẽ có cái nhân phẩm mà các con mong muốn. Ta sẽ cho con sự cần thiết ấy."

Các sư chú nhìn nhau lộ vẻ hài lòng. Họ tin rằng mình sắp sửa được tiếp nhận một điều gì từ vị thầy của mình. Vị trụ trì tiếp tục:

"Các con sẽ được nhận lãnh việc này từ nơi ta, trong tinh thần mà ta muốn dạy dỗ các con. Ta sẽ cho mỗi chúng con có một sự cần thiết thật sự. Qua sự cần thiết ấy con sẽ tìm được cái nhân phẩm của chính mình, và rồi nhờ đó mà con sẽ bỏ được nó qua một bên. Ta sẽ cho các con một nhu yếu."

Nói xong, vị thầy trụ trì đi vào nhà bếp bảo họ đừng nấu ăn gì cho ai nữa.

Sau một thời gian ngắn, các sư chú bắt đầu cảm thấy thật sự đói và ốm, họ lại tự động rủ nhau đi khất thực với một thái độ sốt sắng chưa từng có. Với một bụng đói cồn cào, họ quên đi vấn đề nhân phẩm hay là chuyện xấu hổ. Họ ra đứng mỗi góc đường và cung kính vái chào mỗi người qua lại. Họ đứng trước những cửa hiệu tụng niệm để xin đồ cúng dường. Họ đi chầm chậm trên đường phố một tay cầm bình bát, một tay rung chiếc chuông nhỏ. Họ làm những việc ấy với tất cả con người của họ, không hề suy nghĩ về bất cứ một việc nào khác. 

Việc ấy kéo dài trong một thời gian. Các sư chú không những ốm đi mà còn trở nên nghiêm trang hơn trong việc tu tập của mình. Sau cùng vị thầy trụ trì cho gọi tất cả lại và nói:

"Cái gì cũng vậy, khi ta đã nghiêng quá về một bên này thì ta cần phải nghiêng lại qua về phía bên kia. Những việc các con làm không phải là hoàn toàn vô ích. Bây giờ thì các con đã thật sự hiểu ý nghĩa của việc khất thực. Từ nay đồ ăn trong tu viện sẽ được phục vụ lại như xưa. Và việc đi khất thực cũng vẫn sẽ được tiếp tục."

Các sư chú không ai có một thắc mắc nào. Họ đã hiểu.  
 

Minh Tánh kể


bán mộc bán giáo

Có người nước Sở làm nghề bán mộc, vừa bán giáo. 
Ai hỏi mua mộc, thì anh ta khoe rằng: 
- Mộc này thật chắc, không gì đâm thủng. 
Ai hỏi mua giáo thì anh ta khoe rằng: 
- Giáo này thật sắc, gì đâm cũng thủng. 
Có người nghe nói, hỏi rằng: 
- Thế thì bây giờ lấy giáo của bác đâm vào mộc của bác, thì thế nào? 
Anh ta không trả lời ra làm sao được! 

Hàn Phi Tử

Mục Lục